Cụ Phan Thành Khoái tại TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp trồng và sở hữu nhiều chậu sứ Ánh dương cổ củ to, tán rộng đến 4 người ôm. Có giá bán cả trăm triệu đồng 1 chậu.
Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng. Để không “đụng hàng”, cụ Phan Thành Khoái (88 tuổi, ngụ phường 2, TP.Sa Đéc) trồng giống sứ Ánh dương to nhất trong số các loài sứ, mỗi chậu có giá bán cả trăm triệu đồng.
Cụ Phan Thành Khoái cho hay, trong các loài hoa kiểng, ông chỉ thích nhất là cây sứ vì dễ trồng, cho hoa rực rỡ quanh năm và có hình dáng đẹp, bắt mắt. Cụ Khoái gắn bó với cây sứ và am hiểu tường tận về loài cây này. Đặc biệt, cụ đã trồng thành công loài sứ Ánh dương to lớn, có giá trị kinh tế cao.
Lạc vào khu vườn nhà cụ Phan Thành Khoái, nhiều người sẽ bị “thôi miên” bởi hàng trăm gốc sứ Ánh dương có bộ củ khá to, tán rộng, hoa nở rực rỡ. Trong đó, có nhiều cây sứ cổ thụ gần 20 năm tuổi, có giá bán mỗi cây lên đến cả trăm triệu đồng, cao gấp cả trăm lần so với loại sứ thường.
Cụ Phan Thành Khoái nói: “Khoảng tháng 8 hằng năm là thương lái từ TP.HCM, Hà Nội đến vườn tôi mua. Nhưng loại sứ này giá bán rất cao nên kén khách. Chỉ có đại gia, nhà to sân rộng mua trưng bày thôi chứ không bán đại trà như các loại khác được”.
Theo cụ Khoái, đây là loài sứ không chỉ có kích thước “khủng” mà còn có hình thế cây đẹp tự nhiên. Dáng cây uốn lượn như tranh vẽ nhưng không cần nhiều sự can thiệp, uốn nắn của bàn tay con người.
Các nhà vườn tại TP.Sa Đéc nhận xét, vườn sứ của cụ Phan Thành Khoái là vườn sứ cổ độc nhất tại sứ hoa kiểng này. Rất nhiều du khách khi đến tham quan làng hoa Sa Đéc đều muốn đến chiêm ngưỡng những chậu sứ đặc biệt do bàn tay tài hoa của cụ trồng và chăm sóc.
Hiện nay, một vài nông dân ở làng hoa Sa Đéc cũng trồng giống sứ Ánh dương nhưng không nuôi cây nhiều năm mới bán ra thị trường như cụ Khoái. Bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, nhà vườn ở Sa Đéc còn nhân giống để xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông.